Đề thi môn Hóa kì thi THPT Quốc gia 2017 có gì đặc biệt?

Giai đoạn ôn thi đã bước vào giai đoạn nước rút. Thế nhưng khối lượng kiến thức cần phải ôn luyện dường như vẫn là một khối núi cao chưa sụt giảm. Áp lực đang dần đè nặng lên đôi vai của các thí sinh. Do đó, việc chia sẻ cho các bạn ấy cấu trúc chung của đề thi môn Hóa năm nay sẽ là điều tuyệt vời hơn bao giờ hết. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Tech12h để biết chi tiết hơn.

Đề thi môn Hóa kì thi THPT Quốc gia 2017 có gì đặc biệt?

Môn Hóa là môn thành phần trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Tính đến tháng 4 năm 2017 đã có hơn 290 nghìn thí sinh đăng kí dự thi môn Hóa trong kì thi THPT quốc gia năm nay. Mặc dù con số này có thấp hơn năm trước nhưng nó vẫn đạt mức cao.

Có thể nói, đặc thù của môn hóa là phải học kiến thức vừa dài, vừa rộng, vừa sâu. Chính vì vậy, đã có nhiều thí sinh nản chí với môn học này. Vậy là cũng chỉ còn tầm một tháng ôn luyện nữa. Việc nhận định và phân tích các bộ đề thi thử để đưa ra một cấu trúc chung của đề Hóa năm nay sẽ là điều cần thiết. Bởi có như vậy, học sinh sẽ biết được mình cần học gì và làm gì với một khối lượng khủng kiến thức trong giai đoạn nước rút này.

Nhận định cấu trúc đề thi môn Hóa năm 2017

Ngay từ khi các bộ đề thi thử của Bộ giáo dục công bố, các chuyên gia đầu ngành của từng môn từng lĩnh vực đã đưa ra sườn cơ bản của bộ đề thi năm nay tương ứng với các môn đó. Vậy cấu trúc đề hóa như thế nào? Và có gì đặc biệt hơn so với năm trước?

Năm nay, cấu trúc đề thi môn Hóa có tỉ lệ: 24 câu hỏi lí thuyết và 16 câu hỏi tính toán. Như vậy lý thuyết chiếm 60% trong bộ đề thi, 40% còn lại thuộc về tính toán.

Mức độ đề thi được chia theo các cấp độ:

  • Mức độ nhận biết có khoảng 20 câu hỏi
  • Mức độ thông hiểu có khoảng 15 câu hỏi
  • Mức độ vận dụng cao 5 câu hỏi

Các chuyên đề và số lượng câu hỏi thuộc chuyên đề.

  • Đại cương và kim loại: Phần này chiếm khoảng 6 câu hỏi ( 3 lí thuyết + 3 bài tập). Các câu hỏi lý thuyết thường rơi vào dạng bài kim loại tác dụng với axit, ăn mòn kim loại. Các bài tập tính toán thường rơi vào dạng bài kim loại tác dụng với phi kim hoặc tác dụng với dung dịch muối.
  • Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất: Phần này có khoảng 4 câu hỏi bao gồm 1 lý thuyết và 3 bài tập. Câu hỏi lí thuyết khá đơn giản, còn trong ba câu hỏi bài tập tính toán thì dự đoán sẽ có 1 câu hỏi ở dạng đồ thị ở mức độ cực khó.
  • Bài tập về sắt – một số kim loại nhóm B và hợp chất: Phần này có 7 câu hỏi, trong đó có 5 lý thuyết  và 2 bài tập. Nhìn chung, các câu hỏi lý thuyết phần này khá đơn giản, trong câu hỏi bài tập tính toán sẽ có 1 câu hỏi ở dạng bài giá trị gần nhất ở mức độ cực khó.
  • Tổng hợp hoá học vô cơ: Phần này sẽ có 5 câu hỏi lý thuyết. Tuy nhiên, không như các chuyên đề trước, các câu hỏi lý thuyết ở chuyên đề này đòi hỏi học sinh phải hiểu bản chất vấn đề mới có thể làm được các câu hỏi dạng nhận biết, hoặc các câu hỏi liên quan đến vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
  • Este, lipit: Phần này có 6 câu hỏi  bao gồm 2 lý thuyết và  4 câu  tính toán ứng với 1,5 điểm thuộc chuyên đề này. Các câu hỏi thuộc chuyên đề này không có câu hỏi thuộc phần kiến thức dễ, đa phần các câu hỏi đòi hỏi học sinh phải hiểu vấn đề để vận dụng vào giải quyết các bài tập tính toán liên quan đến phản ứng đốt cháy, thủy phân este.
  • Amin, amino axit, protein: Phần này có 6 câu hỏi trong đó có 3 câu lý thuyết  và 3 câu tính toán. Các câu hỏi lý thuyết khá đơn giản, trong câu hỏi bài tập tính toán có 1 câu hỏi ở dạng bài giá trị gần nhất ở mức độ cực khó.
  • Cacbonhidrat: Có 2 câu hỏi 1 câu lý thuyết  và 1 câu tính toán. Các câu hỏi lý thuyết và tính toán ở chuyên đề này khá đơn giản, học sinh chỉ cần học chắc kiến thức trong SGK là có thể làm tốt các câu hỏi thuộc phần kiến thức này.
  • Polime, vật liệu polime: Chỉ có 1 câu hỏi lý thuyết. Câu hỏi thuộc chuyên đề này khá đơn giản, học sinh chỉ cần học chắc kiến thức trong SGK là có thể làm tốt các câu hỏi thuộc phần kiến thức này.
  • Tổng hợp nội dung kiến thức hoá học hữu cơ: Phần này có duy nhất 3 câu hỏi lý thuyết. Trong 3 câu hỏi lý thuyết có 1 câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích đề bài, tư duy logic mới có thể làm được câu hỏi này.

 

Đề Hóa năm nay khác gì so với đề Hóa năm 2016?

Một tháng nữa kì thi THPT năm 2017 mới chính thức bắt đầu. Do đó, cho đến thời điểm này vẫn chưa thể đưa ra nhận định được đề năm nay  khó, dễ hay vừa tầm các bạn thí sinh.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ  Thái Công Hồng  cho biết rằng: “Đề thi sẽ được xây dựng theo nguyên tắc từ câu dễ đến câu khó. Điều này giúp các em không phải mất công đọc toàn bộ đề thi mà làm tuần tự từ đầu đến cuối, làm từ dễ đến khó, tránh việc lãng phí thời gian, đồng thời lực học của các bạn đến đâu thì sẽ làm đến đó.”

   Ai cũng biết rằng, giai đoạn ôn tập của các bạn học sinh đang dần đến ngày thu lại kết quả. Vì vậy, cho đến thời điểm này việc củng cố lại kiến thức trọng tâm của từng môn học là điều cần thiết. Và môn hóa cũng vậy, Tech12h hi vọng rằng, với những phân tích có căn cứ như trên các bạn sẽ biết được mình nên tập trung vào học ở đâu để có được số điểm như mình mong muốn.

Chúc các bạn có một kì thi đạt kết quả cao!

Bình luận

Giải bài tập những môn khác

Đang cập nhật dữ liệu...