Một số phương pháp để học tốt hình học không gian

Hình không gian là chương học đòi hỏi trí tưởng tượng và tư duy cao vì vậy nó là chướng ngại vật của rất nhiều học sinh. Bài này mình sẽ chỉ ra một số phương pháp giúp học học chương này trở nên dễ dàng hơn.

Một số phương pháp để học tốt hình học không gian

Bắt đầu bằng việc tập nhìn hình

Từ những bài tập hình học phẳng, bạn lại được làm quen với hình học không gian. Sự biến chuyển này sẽ làm bạn cảm thấy xa lạ và khó tiếp thu. Đối với những bạn không liên tưởng tốt thì họ sẽ chẳng nhìn ra cái gì trong những khối hình góc cạnh. Đừng sợ mình "thua sút" vì không có năng khiếu tưởng tượng. Hãy nhìn thật lâu, thật nhiều những khối hình được vẽ trong sách, hoặc bạn tự nhìn vào đề và vẽ. Đó là bước khởi đầu quan trọng.
Khi học bất kì bài học hình không gian nào hãy liên tưởng đến các ví dụ thực tế xung quanh bạn.Ví dụ khi học bài một số hình trong không gian, nói đến hình hộp chữ nhật bạn có thể liên tưởng đến hộp diêm, hình lập phương liên tưởng đến rubic...; khi học bài quan hệ vuông góc, hãy nhìn ngay vào phòng học của mình để đưa các ví dụ: chân bàn vuông góc với mặt bàn, mặt bảng vuông góc với trần nhà.

Biết cách vẽ hình và tưởng tượng

Trước hết cần biết cách vẽ hình, nếu hình sai thì không thể làm được bài. Nhìn vào một hình cần phải biết tưởng tượng. Điều này tưởng như khó, nhưng thực chất lại khá dễ nếu thường xuyên rèn luyện: vẽ đường nét đứt khi bị khuất, vẽ nét liền khi nhìn thấy. Một chú ý nhỏ nữa là hãy vẽ hình bằng bút chì, sau đó mới tô lại bằng bút mực; để tránh trường hợp vẽ bút mực ngay từ đầu, bởi khi sai sẽ không thể xóa đi được.

Kinh nghiệm vẽ hình chính xác

Khi vẽ hình chóp, nên để mặt đáy mỏng và dẹt. Mặt đáy quá lớn sẽ khiến hình không "thật", và bạn rất khó nhìn. Khi đáy là hình vuông, hình chữ nhật, hình thoi thì vẽ đáy là hình bình hành. Đừng thể hiện mọi chi tiết lên hình, rất dễ rối. Vẽ hình không gian cần lưu ý vẽ chính xác các đường cắt nhau, các đường song song và chú ý làm sao cho càng ít nét đứt càng tốt.

Với một bài, bạn nên vẽ nhiều hình. Đừng chăm chăm vào một hình và "bó tay" trong việc tìm ra phương án giải. Vẽ sao cho mọi chi tiết đều được thể hiện rõ ở đáy và mặt bên. Đừng vẽ vào mặt khuất. Đừng nên chăm chăm vào một góc nhìn, hãy thử góc nhìn khác để có phương án giải dễ hơn với các bài phức tạp

Các đọc đề bài hình không gian

Đề bài hình không gian thường rất ngắn gọn. Nhưng nội dung đều rất đáng giá. Chẳng hạn như, "cho một hình chóp đều cạnh a" là bạn đã có tất tần tật những kiến thức liên quan như: các cạnh bằng nhau, chân đường cao trùng với tâm đáy, các mặt bên bằng nhau, góc hợp bởi cạnh bên với đáy bằng nhau...

Liệt kê ra những thông tin đề cho. Đề yêu cầu chứng minh gì, suy ngược lại từ những kiến thức đã có. Ví dụ, chứng minh hai mặt phẳng vuông góc với nhau thì dựa vào lý thuyết, từ đó đi tìm từng dữ kiện một, chắp nối lại.

Cách ghi nhớ các kiến thức hình không gian.

Các kiến thức hình không gian liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ để chứng minh mặt phẳng vuông góc với mặt phẳng ta thường đưa về chứng minh đường thẳng với mặt phẳng, để chứng minh đường thẳng vuông góc với mặt phẳng ta cần chứng minh đường thẳng vuông góc với hai đường thuộc mặt phẳng đó. Vì vậy, khi học lý thuyết bài sau ta cần phải ghi nhớ những kiến thức bài trước.

Để ghi nhớ khối kiến thức này, các bạn nên tự vẽ sơ đồ tư duy cho mình: các phương pháp và hình vẽ đi cùng. Việc tự vẽ sơ đồ tư duy sẽ kích thích trí tưởng tượng và khả năng ghi nhớ cho bạn.

Cách làm bài hình không gian

  • Vẽ hình thật chính xác ( đôi khi chỉ cần vẽ hình chính xác bạn đã tìm được câu trả lời cho mình).
  • Đề bài yêu cầu gì hãy nhớ lại các phương pháp đã học từ đó vận dụng để làm bài.
  • Khi cần thiết, hãy vẽ lôi một mặt nào đó ra ngoài mặt phẳng vẽ chính xác các tỉ lệ và dữ kiện đề bài để có thể dễ dàng chứng minh và tính toán hơn.

 

Bình luận