Tóm tắt kiến thức ngữ văn 7 kết nối bài 6: Văn bản đọc Một số câu tục ngữ Việt Nam

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 7 kết nối bài 6: Văn bản đọc Một số câu tục ngữ Việt Nam. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

I. TÌM HIỂU CHUNG

- Xuất xứ: Trích Kho tàng tục ngữ người Việt, tập 1 và tập 2 do Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) – Nguyễn Thúy Loan – Phan Lan Hương – Nguyễn Luân. 

- Thể loại: tục ngữ

- Bố cục:

+ Câu 1 đến câu 5: chủ đề về kinh nghiệm thời tiết

+ Câu 6 đến câu 8: chủ đề về kinh nghiệm sản xuất

+ Câu 9 đến câu 15: chủ đề kinh nghiệm về đời sống xã hội.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT VĂN BẢN

1. Đặc điểm nghệ thuật của câu tục ngữ

- Hình thức: ngắn gọn, súc tích

- Gieo vần: Vần làm cho câu tục ngữ có kết cấu chặt chẽ, có tính nghệ thuật, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ thuộc.

- Tính cân đối thể hiện ở số tiếng bằng nhau, từ loại của từng từ ở từng vị trí giống nhau, thanh điệu đối chọi nhau (bằng – trắc), hình ảnh tương đồng hoặc tương phản nhau

2. Dự kiến sản phẩm của HS:

- Mỗi câu tục ngữ trong bài có độ dài ngắn nhất là 5 tiếng (Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa), dài nhất là 16 tiếng (Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang, mây kéo lên ngàn thì mưa như trút)

- Chỉ có câu Ăn quả nhớ kẻ trồng cây không có hiệp vần. Còn các câu tục ngữ còn lại có vị trí hiệp vần đa dạng.

- Câu tục ngữ có sử dụng thể thơ lục bát trong bài “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Câu tục ngữ có hình thức tương tự: Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên; Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

- Sự cân đối giữa hai vế trong một dòng: Nắng chóng trưa, mưa chóng tối; Sự cân đối giữa bốn vế trong một dòng: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; Sự cân đối giữa hai dòng của một câu tục ngữ: Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng Mười chưa cười đã tối.

- Câu 4, 9, 10, 14, 15 là những câu dùng hình ảnh có tính chất ẩn dụ; những câu còn lại thể hiện ý nghĩa một cách trực tiếp.

3. Tìm hiểu nội dung, ý nghĩa câu tục ngữ.

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Tục ngữ về kinh nghiệm thời tiết

- Các câu tục ngữ về kinh nghiệm thời tiết đề cập đến những kinh nghiệm dự báo thời tiết

+ Gió heo may, chuồn chuồn bay thì bão: Khi trời nổi gió heo may và chuồn chuồn bay ra, thì khi ấy là sắp có bão

+ Kiến cánh vỡ tổ bay ra/ Bão táp mưa sa gần tới: Khi kiến cánh vỡ tổ bay ra ngoài, thì khi đó báo hiệu trời sắp mưa to bão lớn.

+ Mây kéo xuống … mưa như trút: Khi mây ùn ùn kéo về phía biển thì trời nắng, còn khi mây kéo lên mạn ngược thì trời sắp có mưa to.

+ Đêm tháng Năm … chưa cười đã tối: Tháng năm (âm lịch)  ngày dài đêm ngắn, tháng mười (âm lịch) ngày ngắn đêm dài. 

+ Nắng chóng trưa, mưa chóng tối: Ngày nắng thì cảm thấy buổi trưa đến sóm hơn vì thời tiết nóng bức, ngột ngạt. Ngày mưa thì trời âm u nên tối sớm.

Tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất

- Các câu tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất đề cập đến những kinh nghiệm để sản xuất ra của cải vật chất của dân gian xuất phát từ việc quan sát công cuộc lao động

+ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống: Chỉ ra 4 yếu tố quan trọng để làm nông nghiệp lúa nước có một mùa bội thu, năng suất cao đó là nước, phân bón, công chăm sóc và giống lúa.

+ Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa: Khi thời tiết nắng nóng, thì trồng dưa là lựa chọn tốt, còn khi thời tiết mưa nhiều thì trồng lúa nước là hợp nhất. 

+ Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa: Việc chăn tằm thu hoạch có lời hơn làm ruộng đất nhiều, nhấn mạnh cao kinh tế của việc nuôi tằm.

Tục ngữ về kinh nghiệm đời sống xã hội

- Các câu tục ngữ về kinh nghiệm đời sống xã hội răn dạy con người về cách sống, triết lý sống cao đẹp của con người. 

+ Người sống hơn đống vàng: Con người là nguồn năng lượng lớn nhất cho thế giới vận hành và tồn tại, vì vậy mỗi người hãy trân trọng những giá trị riêng của bản thân mình đang có.

+ Đói cho sạch, rách cho thơm: Dù đói rách, cùng khổ hay gặp khó khăn cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, sống ngay thẳng, trong sạch.

+ Không thầy đố mày làm nên: Trong học tập, người thầy đóng vai trò rất quan trọng. Thầy giỏi, có phương pháp dạy học tốt thì sẽ mau tiến bộ. Thực tế giáo dục đã chứng minh điều này.

+ Học thầy không tày học bạn: Học thầy rất quan trọng, nhưng cũng phải biết học bạn nữa. Đồng thời, học không chỉ là tiếp thu tri thức lí thuyết, mà còn phải thực hành trong đời sống.

+ Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi: Muốn giỏi giang, nâng cao tay nghề, thì đừng ngại ngùng học hỏi người khác. Hãy mãi giữ vững tinh thần học hỏi, luôn trau dồi kiến thức khi muốn nâng cao tay nghề mình.

+ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây: Khi thưởng thức quả ngọt, cần nhớ đến người trồng cây, chăm sóc để tạo ra chúng. Qua đó, nhắc nhở con người phải có lòng biết ơn, nhớ đến người đã giúp đỡ ta trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn.

+ Một cây làm … hòn núi cao: Đề cao vai trò của sự đoàn kết trong cuộc sống, đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua mọi thử thách và tiến đến đích thành công.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung – ý nghĩa

- Văn bản đã phản ánh, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của nhân dân trong việc quan sát các hiện tượng thiên nhiên và trong lao động sản xuất cùng như tôn vinh giá trị con người. Đồng thời, đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người cần phải có. 

- Những kinh nghiệm ấy là “túi khôn” của nhân dân nhưng chỉ có tính chất tương đối chính xác vì không ít kinh nghiệm được tổng kết chủ yếu dựa vào quan sát.

2. Nghệ thuật

- Các câu tục ngữ có mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức

- Vần và nhịp điệu linh hoạt, đối thanh và đối ý tạo nên sự nhịp nhàng. 

- Kết hợp linh hoạt các biện pháp tu từ nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức văn 7 KNTT bài 6 Văn bản đọc Một số câu tục ngữ Việt Nam, kiến thức trọng tâm ngữ văn 7 kết nối bài 6: Văn bản đọc Một số câu tục ngữ Việt Nam, Ôn tập văn 7 kết nối bài Văn bản đọc Một số câu tục ngữ Việt Nam

Bình luận

Giải bài tập những môn khác