Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 2

Trọn bộ đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 2 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI GIỮA KÌ 1 NGỮ VĂN 11 KẾT NỐI TRI THỨC ĐỀ 2

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

“Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa. Không có ai luôn thành công hay thất bại, tuyết đối thông minh hay dại khờ, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức, tư duy tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Như chính trị gia người Anh, Sir Winston Churchill, từng nói, “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn.”. Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống. Đó là một điều bạn không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói thực sự là trải nghiệm mà bạn nên có trong đời. Vì vậy, hãy thất bại một cách tích cực.”

(“Học vấp ngã để từng bước thành công – John C.Maxwell)

Câu 1 (1.0 điểm): Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 2 (1.0 điểm): Xác định chủ đề của đoạn trích?

Câu 3 (1.0 điểm): Hãy xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn.”

Câu 4 (2.0 điểm): Tại sao tác giả lại nói: …. “thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống”?

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm): Có ý kiến cho rằng “Chí Phèo chết không phải vì nghiện rượu, cũng chẳng phải vì đói càng không phải vì bị Thị Nở từ chối. Mà cái chết của Chí Phèo là sự giãy giụa của con người trong ranh giới của sự lương thiện”. Anh chị hãy phân tích đoạn trích Chí Phèo trong SGK 11 tập 1 – KNTT để làm rõ ý kiến trên.

Hướng dẫn trả lời

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận

Câu 2:

Chủ đề đoạn trích: Sự tất yếu của thành công và thất bại trong cuộc sống

Câu 3:

- Biện pháp tu từ: điệp từ “khó khăn”, “cơ hội”

- Tác dụng: Làm cho câu văn có nhịp điệu, giàu giá trị tạo hình. Qua đó nhấn mạnh cách nhìn của một người đối với khó khăn và cơ hội.

Câu 4:

“Lẽ tự nhiên” hay “phần tất yếu” tức là điều khách quan, ngoài ý muốn con người và con người không thể thay đổi.

+ Bởi vì trong cuộc sống không ai là không gặp thất bại. Có người thất bại nhiều, thất bại lớn. Có người thất bại ít, thất bại nhỏ.

+ Vì đó là điều tất yếu nên ta đừng thất vọng và chán nản. Hãy dũng cảm đối mặt và vượt qua.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là nhân vật điển hình của nền văn học Việt Nam. Hắn là đại diện tiêu biểu cho những người nông dân cùng khổ bị đẩy vào bi kịch tha hóa về nhân tính. Kết truyện, khi đã thức tỉnh, hắn quyết định giết Bá Kiến, người đã đẩy hắn vào con đường tha hóa và sau đó tự sát như cách để giải thoát bản thân. Bởi vậy mà xoay quanh cái chết của Chí Phèo, có ý kiến cho rằng: “Chí Phèo chết không phải vì nghiện rượu, cũng chẳng phải vì đói càng không phải vì bị Thị Nở từ chối. Mà cái chết của Chí Phèo là sự giãy giụa của con người trong ranh giới của sự lương thiện”.

Truyện kể về nhân vật Chí Phèo, vốn là một người nông dân lương thiện. Thế nhưng chính xã hội phong kiến bất công đã chèn ép, chà đạp hắn, đẩy hắn đến bước đường cùng, phải trở thành một “con quỷ của làng Vũ Đại”.

Chí Phèo sinh ra tại một cái lò gạch cũ, được người làng cùng nhau nuôi, hắn vốn là người nông dân chân chất, thật thà cho đến khi đi ở cho Bá Kiến. Vì thói ghen tuông vô lí, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào chốn ngục tù, nơi  khởi cho những oán hận và cả nỗi đau của cuộc đời Chí. Hắn dần đánh mất chính mình, đánh mất đi sự lương thiện vốn có. Sau mấy năm ở tù, hắn trở về làng và trở thành một con quỷ thực sự. Nhà văn Nam Cao đã khắc họa một cách rõ nét điều đó trên khuôn mặt của Chí Phèo, như phản ảnh sự đau lòng của chế độ và sự tha hóa của một đời người. Chí Phèo xuất hiện với "Cái đầu thì trọc lóc, răng cạo trắng hớn, hai mắt gườm gườm trông gớm chết". Một bộ dạng gớm ghiếc không khác một con quỷ. Hắn vừa đi vừa chửi. Một loạt tiếng chửi nói lên cuộc đời nhiều tăm tối của hắn "Hắn chửi trời, hắn chửi đất, hắn chửi cả làng Vũ Đại. Hắn chửi đứa nào đẻ ra hắn...".

Xã hội đã cướp đi nhân cách, bản tính lương thiện và cả ước muốn làm người của Chí Phèo. Hắn trở về từ nhà tù, biến thành một kẻ chuyên đi rạch mặt ăn vạ, hắn phá tan đi bao nhiêu gia đình ở làng Vũ Đại. Cả làng ai cũng sợ hắn, vì bộ mặt gớm ghiếc và hành động tàn bạo đó.

Mãi sau này khi gặp thị Nở, được thị cho ăn bát cháo hành. Dường như một phần nhân tính đã quay lại trong gã. Gã bắt đầu nghĩ nhiều hơn, gã khao khát hạnh phúc bình dị cùng thị và đau đớn khôn cùng khi bị thị từ chối. Sau khi bị Thị Nở “ném” vào mặt những lời miệt thị khắc nghiệt của bà cô Thị Nở, quá đau khổ, tuyệt vọng khi con đường trở về làm người lương thiện bị chặn đứng, Chí Phèo đã uống đến hai chai rượu và mang dao đến nhà Thị Nở với ý định “chém chết cả nhà nó”. Tuy miệng nói đến nhà Thị Nở để trả thù nhưng bước chân của Chí lại đi đến nhà Bá Kiến.

Lần cuối cùng Chí đến nhà Bá Kiến, hắn không đến để đòi tiền mua rượu. Hắn đến với một cái đầu tỉnh tảo, không còn mơ hồ về nhận thức. Sự tỉnh táo này thể hiện trong câu nói: “Tao muốn làm người lương thiện”. Hắn thốt lên tiếng oan than đầy đau đớn “Ai cho tao lương thiện”. Vào giây phút đó, Chí nhận ra bản thân đã không thể trở về với con người lương thiện như trước “Tao không thể là người lương thiện nữa”. Hắn oán hận cuộc đời này, oán hận những kẻ đẩy hắn vào hoàn cảnh này và đau đớn vì chẳng thể sống như cách mà hắn muốn. Hắn đã lựa chọn con đường tiêu cực nhất để kết thúc mọi chuyện, đó chính là cái chết. Chính cái quyết định này đã thể hiện thái độ quyết liệt, dứt khoát của Chí đối với tội ác, với con đường tha hóa mà mình đã bị sa vào trước đó.

Giây phút Chí vung dao lên lấy đi mạng sống của Bá Kiến và chính mình, hắn đã được giải thoát khỏi cuộc đời tăm tối này. Thông qua việc lựa chọn kết truyện là cái chết đầy dữ dội của hai nhân vật Bá Kiến và Chí Phèo, nhà văn Nam Cao không chỉ tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc mà còn truyền tải rất nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến chính là sự tố cáo quyết liệt, mạnh mẽ nhất đối với xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy những người dân lương thiện như Chí đến bi kịch tha hóa về nhân cách, đến con đường cùng không có lối ra.

Cái chết của Chí Phèo là sự phản kháng của con người dưới đáy xã hội đối với chế độ bóc lột đã đẩy họ đến bước đường cùng. Hành động của Chí Phèo có phần manh động nhưng lại là thể hiện được hết cái thái độ quyết liệt, phản kháng chế độ bóc lột. Cái chết của Chí Phèo lại mang tính giải thoát cho bi kịch của bản thân hắn. Cái chết tuy không làm thay đổi được toàn bộ cục diện đen tối của xã hội nhưng đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những con người sống trong xã hội ấy, cần phải vùng lên đấu tranh bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, bảo vệ cuộc sống tốt lành, lương thiện.

Truyện ngắn “Chí Phèo” kết thúc câu chuyện bằng cái chết của Chí Phèo. Cái chết này không chỉ khép lại tấn bi kịch của cuộc đời hắn mà nó còn là chi tiết nghệ thuật độc đáo, một cái kết mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Như vậy, thông qua cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến, tác giả Nam Cao đã lên án gay gắt chế độ phong kiến đã đày đọa, chà đạp con người, từ đó thể hiện thái độ trân trọng đối với những phần “người” tốt đẹp bên trong những con người dưới đáy xã hội ấy.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 kết nối, đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác