Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI CUỐI KÌ 1 NGỮ VĂN 11 CÁNH DIỀU ĐỀ 5

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Em đã tính mà tính không đủ

Em đã lo mà lo chẳng tròn

Làm không nổi, sống coi như chết

Như ăn lá ngón lìa đời

Như nậy đá to đá sập

Vần đá tảng đè tay

Đè tay đè tay phải ngón út

Máu không rớt mà đau tận ruột

Máu không rơi mà buốt tận tim

Đau trong ruột không người đoái hoài

Buốt trong tim thăm hỏi nào ai?

Xót xa em trùm chăn thầm khóc

Cúi mặt nước mắt rỏ

Ngẩng lên hàng lệ rưng

Nước mắt rỏ hai dòng

Rỏ ba dòng

Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn rổ

Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn.

(Trích Tiễn dặn người yêu – Xống chụ xon xao, Mạc Phi dịch và giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1973)

Câu 1 (1.0 điểm): Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là gì?

Câu 2 (1.0 điểm): Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: “Em đã tính mà tính không đủ/ Em đã lo mà lo chẳng tròn”?

Câu 3 (1.0 điểm Nêu tác dụng của biện pháp nói quá được sử dụng trong hai dòng thơ “Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn rổ/ Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn” ?

Câu 4 (1.0 điểm): Xác định chủ đề của đoạn trích?

Câu 5 ( 1.0 điểm): Từ nội dung đoạn trích, bạn có suy nghĩ gì về sự cần thiết của tự do yêu đương? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm): Từ đoạn trích ở phần đọc hiểu hãy viết một bài phân tích tâm trạng của nhân vật “em”.

Hướng dẫn trả lời

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Biểu cảm

Câu 2:

Biện pháp: điệp cấu trúc

Câu 3:

Tác dụng của biện pháp nói quá được sử dụng trong hai dòng thơ: “Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn rổ/ Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn”: Nhấn mạnh, làm nổi bật tâm trạng đau khổ vô bờ bến của cô gái.

Câu 4:

Chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích thể hiện tâm trạng đau khổ của cô gái khi tình yêu tan vỡ, khi bị ép buộc lấy người mình không yêu. Qua đó, tác giả dân gian bày tỏ sự đồng cảm, nỗi xót thương đối với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ; đồng thời gián tiếp tố cáo hủ tục hôn nhân sắp đặt.

Câu 5:

Từ nội dung đoạn trích, có thể suy nghĩ rằng tự do yêu đương là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của con người. Tự do yêu đương cho phép mỗi người tự chọn và thể hiện tình yêu của mình theo cách mà họ mong muốn, mà không bị ràng buộc bởi những quy tắc hay giới hạn từ xã hội. Nó mang lại sự tự do cá nhân và cho phép mỗi người tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn trong mối quan hệ tình cảm của mình. Tự do yêu đương cũng tạo điều kiện để mỗi người có thể khám phá và phát triển bản thân thông qua mối quan hệ tình yêu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tự do yêu đương cần được thực hiện trong một khung pháp lý và đạo đức nhất định để đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Trong kho tàng văn học Việt Nam, tình yêu đôi lứa là một trong những nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác giả, tạo nên nhiều tác phẩm nổi bật. “Tiễn dặn người yêu” là một ví dụ tiêu biểu về chủ đề này. Tác phẩm là sự kết hợp khéo léo giữa hai thể loại thơ và truyện, qua đó, bộc lộ phong cách sáng tác đặc trưng của người dân tộc Thái. “Tiễn dặn người yêu” không chỉ là một tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn là một bức tranh tâm trạng sâu sắc về tình yêu, sự hy sinh và đau khổ. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua đoạn trích:

Em đã tính mà tính không đủ

Em đã lo mà lo chẳng tròn

Làm không nổi, sống coi như chết

Như ăn lá ngón lìa đời

Như nậy đá to đá sập

Vần đá tảng đè tay

Đè tay đè tay phải ngón út

Máu không rớt mà đau tận ruột

Máu không rơi mà buốt tận tim

Đau trong ruột không người đoái hoài

Buốt trong tim thăm hỏi nào ai?

Xót xa em trùm chăn thầm khóc

Cúi mặt nước mắt rỏ

Ngẩng lên hàng lệ rưng

Nước mắt rỏ hai dòng

Rỏ ba dòng

Dòng rơi đằng trước đủ rửa rau muôn rổ

Dòng rơi đằng sau đủ rửa rau muôn vườn.

Mở đầu đoạn trích, tác giả dân gian đã sử dụng những từ ngữ đầy tính tưởng tượng và biểu cảm, gợi mở cho người đọc về một không khí u buồn, đau đớn, đồng thời mở ra nhiều khía cạnh để đọc giả cảm nhận và suy ngẫm:

Em đã tính mà tính không đủ

Em đã lo mà lo chẳng tròn

Làm không nổi, sống coi như chết

Như ăn lá ngón lìa đời

Như nậy đá to đá sập

Em đã "tính mà tính không đủ", đã "lo mà lo chẳng tròn". Dù đã cố gắng nhưng người con gái vẫn chẳng thể làm trọn vẹn những gì mình mong muốn. Tình yêu của cô tan vỡ không thể cứu vãn được. Sống trong một xã hội mà “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, người con gái chẳng có quyền quyết định cuộc sống của chính mình. Họ có cố gắng ra sao cũng chẳng thể theo đuổi tình yêu đích thực. Đau đớn và bất lực biết bao khi phải kết hôn với một người bản thân không quen biết hay yêu thương. Có lẽ, vì vậy mà cô cảm thấy bản thân “sống coi như chết”. Sự đau đớn vì chia xa người yêu giống như nỗi đau phải nuốt lấy lá ngón, như đá to, đá sập đè lên người. Mô tả về việc "sống coi như chết" và "như ăn lá ngón lìa đời" đã làm tăng thêm cảm giác hỗn loạn và tuyệt vọng. Những từ ngữ như "đá to đá sập," "vần đá tảng đè tay," tạo nên hình ảnh của sự khó khăn, thách thức trong mối quan hệ của cô gái khi phải bước vào một cuộc hôn nhân sắp đặt. 

Nỗi đau ấy lại nhân lên gấp bội khi không có người sẻ chia, thấu hiểu:

Đau trong ruột không người đoái hoài

Buốt trong tim thăm hỏi nào ai?

Xót xa em trùm chăn thầm khóc

Cúi mặt nước mắt rỏ

Ngẩng lên hàng lệ rưng

Nước mắt rỏ hai dòng

Rỏ ba dòng

Hình ảnh của "đau trong ruột không người đoái hoài" và "buốt trong tim thăm hỏi nào ai" đều phản ánh sự cô đơn và tuyệt vọng khi đối mặt với cuộc hôn nhân bị sắp đặt trước của cô gái. Từ "xót xa," "thầm khóc," "nước mắt rỏ" đã nhấn mạnh sự đau khổ và nỗi buồn trong tình yêu của “em” khi không thể đến với người mình yêu. Hình ảnh "ngẩng lên hàng lệ rưng" đã biểu hiện rõ nét sự yếu đuối và tình cảm đã kiểm soát trong cô. Nỗi đau ấy được hữu hình hóa ở hình ảnh những dòng nước mắt. Đó là một nỗi đau bật ra mạnh mẽ, không kìm nén được, dù cúi xuống hay ngẩng lên thì nỗi đau cũng khiến cho nước mắt tuôn rơi. Các câu "máu không rớt mà đau tận ruột" và "máu không rơi mà buốt tận tim" càng làm tăng thêm sự trăn trở và đau khổ trong mối quan hệ hôn nhân không tình yêu. Qua bức tranh cảm xúc của nhân vật “em”, ta trở nên đồng cảm với những nỗi đau của những người con gái sống trong xã hội phong kiến hủ tục. Nơi hôn nhân sắp đặt trở thành một lẽ dĩ nhiên, người yêu nhau chẳng thể đến với nhau.

Có thể nói “Tiễn dặn người yêu” không chỉ là một tác phẩm văn học nghệ thuật đẹp mắt mà còn là một tác phẩm tâm huyết, mô tả chân thật về những khía cạnh đau khổ và hy sinh của tình yêu. Thông qua từ ngữ giàu tưởng tượng, tác giả đã tạo nên một không gian tâm trạng đặc biệt, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.

Đoạn trích này khắc họa một cách rất sinh động những cảm xúc chân thực của người con gái khi phải bất lực trong tình yêu. Đoạn trích cũng khơi gợi sự đồng cảm, xót thương trong lòng độc giả đối với những người con gái sống trong xã hội phong kiến xưa, họ là nạn nhân của hủ tục cưới xin ép buộc. Qua đó, chúng ta càng thêm trân quý quyền được tự do yêu đương trong xã hội hiện nay.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 Cánh diều, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 cánh diều, đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 Cánh diều:

Bình luận

Giải bài tập những môn khác